Cầu Trung Đạo bắc qua hồ Thái Dịch trong Hoàng Thành, là đường dẫn từ cửa thành Ngọ Môn vào điện Thái Hoà. Cầu Trung Đạo được xây dựng từ đầu đời Gia Long, đến năm Minh Mạng 14 thì được tu sửa và mở rộng hơn trong đợt tái thiết Hoàng Thành.
Cầu được xây bằng gạch, mặt dưới gồm nhiều vòm cuốn. Hai đầu cầu có hai cổng dựng bằng 4 cột đồng. Trên cột đồng trang trí hoa sen. Điều này mang ý nghĩa hoa sen tượng trưng cho những ngọn đuốc soi sáng cho nhà vua. Hai cột giữa cao chạm trổ rồng 5 mống. Tuy hai trụ đối xứng nhau nhưng một bên được tạo hình rồng vươn lên, một bên tạo hình rồng lao xuống tạo sự sinh động, hấp dẫn. Phía trên các trụ có những khung hình chữ nhật trang trí bằng pháp lam rực rỡ và có gắn chữ nổi khá lớn "Trung hòa vị đục" theo ý nghĩa "trung" là cái gốc lớn của thiên hạ, "hòa" là đạt đạo của thiên hạ. Khi thực hiện được sự trung hòa thì trời đất yên ổn, vạn vật sinh sôi nảy nở.
Cầu Trung Đạo dẫn đến sân chầu trước điện Thái Hòa. Cầu là công trình kiến trúc nằm trên trục chính của Hoàng thành, dành cho vua đi. Đối xứng hai bên cầu là hai công trình kiến trúc khác được xây dựng theo nguyên tắc "tả nam hữu nữ", "tả văn hữu võ".
Toàn cảnh Hồ Thái Dịch, Trung Đạo Kiều và Điện Thái Hòa nhìn từ Ngọ Môn. Bức bưu ảnh có dòng lưu bút của người sử dụng đề ngày 11-04- 07. Ta có thể nhận thấy Điện Thái Hòa thời kì này không có cửa mà chỉ có rèm để che mưa nắng. Đến thời Khải Định, nhà vua mới cho xây thêm cửa trong dịp trùng tu điện Thái Hòa và Cần Chánh để chuẩn bị lễ mừng thọ.
Cổng đồng đầu cầu
Có 2 điều cần chú ý trên tấm ảnh này. Thứ nhất: Nhà xuất bản chú thích sai. Thứ hai: Hình trang trí trên cổng đồng hai đầu cầu Trung Đạo khác hẳn so với những bức ảnh dưới.
Cầu Trung Đạo còn gọi là Cầu Kim Thủy
Kị binh hộ tống sứ thần nước ngoài, hình ảnh này ta có thể gặp trong Lễ tú tuần Đại khánh vua Khải Định (ảnh dưới)
0 Nhận xét