Đài tưởng niệm chiến sĩ trận vong (thường được gọi là Bia Quốc Học) toạ lạc sát bờ nam sông Hương, trước mặt trường Quốc Học, công trình này, trước đây, được xây dựng để tưởng niệm những binh sĩ người Pháp và người Việt ở Trung kỳ đã bỏ mạng vì sự nghiệp giúp nước Pháp đánh Đức trong chiến tranh thế giới lần thứ nhất (1914 -1918).
Theo Nghị định của toà Khâm sứ Trung kỳ, ký ngày 24 tháng 7 năm 1919, một hội đồng gồm 12 người, do viên Khâm sứ làm chủ tịch đã được thành
lập để nghiên cứu đề ra các phương án, giải pháp, chọn địa điểm xây dựng...Và quyết định chọn khoảng đất trống bên bờ sông Hương, trước trường Quốc học với quan điểm được ghi rõ trong biên bản cuộc họp ngày 26 tháng 2 năm 1920: "Ngoài vấn đề kỷ niệm cần gìn giữ, tốt hơn nữa gợi được sự chú ý của của các thế hệ trẻ về tình đoàn kết chặt chẽ của người Pháp và người bản xứ trong đại chiến và sự hy sinh chung cho của họ cho nền văn minh và tiến bộ...".
Việc tổ chức thi thiết kế diễn ra từ ngày 10 tháng 4 đến ngày 3 tháng 5 năm 1920. Có bốn đề án dự thi, hội đồng chọn đồ án của tác giả Tôn Thất Sa, giáo viên trường Bá công Huế, với giải thưởng là 80 đồng. Đài được khởi công xây dựng ngày 12 tháng 5 năm 1920, kinh phí thi công đài tưởng niệm là gần 10.000 đồng, và hoàn thành ngày 18 tháng 9 cùng năm. Lễ khánh thành được tổ chức trọng thể vào ngày 23 tháng 9 năm 1920 với sự có mặt của có vua Khải Định, các quan chức người Pháp và người Việt tham dự.
Về kiến trúc, kiểu dáng của đài tưởng niệm, hội đồng xây dựng đã thảo luận rất cẩn trọng, nhằm bảo đảm các yếu tố văn hoá truyền thống, hài hoà với môi trường, không gian kiến trúc của sông Hương, của Trường Quốc Học và các công trình kiến trúc đã có trong khu vực.
Theo ý kiến đề xuất của ông Nguyễn Đình Hoè, là thành viên của hội đồng, đài được xây dựng theo hình dáng là một bình phong lớn, có hai tầng, có mái che, xây trên nền hai bậc cấp, chính giữa có hình huy chương treo trên một cái kim khánh. Thân và bệ đài được trang trí theo các motip rồng, lân, chữ thọ (壽) cách điệu cùng đề tài khác như "mai, lan, cúc, trúc...Các hoạ tiết trang trí, kiến trúc, điêu khắc đều mang phong cách kiến trúc thời Nguyễn.
Trước đây, mặt trước thân đài có ghi tên 31 người Pháp và 78 người Việt ở Trung kỳ, sau này đã bị xoá, tuy nhiên đài vẫn được giữ lại vì nó thể hiện được nét đẹp truyền thống của kiến trúc Huế và hài hòa với cảnh quan của trường Quốc Học.
Công trình này có thể nhìn thấy rõ từ Kì Đài hay bến Nghinh Lương Đình bên này sông
Xem ảnh hiện tại với dấu tích tên một số nhân vật còn lại (tại đây)
0 Nhận xét