Hiển Lâm Các là một công trình kiến trúc nằm trong quần thể di tích cố đô Huế được xây dựng vào năm 1821 và hoàn thành vào năm 1822 thời vua Minh Mạng. Hiển Lâm Các nằm trong khu vực miếu thờ trong hoàng thành Huế, cao 17m và là công trình kiến trúc cao nhất trong Hoàng Thành. Đây được xem là đài kỷ niệm ghi nhớ công tích của các vua nhà Nguyễn và các quan đại thần có công lớn của triều đại.
Toàn cảnh Hiển Lâm Các với hai cổng vào hai bên
Bên phải là cổng Sủng Công, phía trên treo trống (ảnh hiện tại) , còn bên trái là cổng Tuẫn Liệt có cheo chuông (ảnh hiện tại)
Cửu Đỉnh là một công trình nghệ thuật bằng đồng có giá trị nhất tại Huế nói riêng, và Việt Nam nói chung. Tất cả đều được đúc ở Huế vào cuối năm 1835, hoàn thành vào đầu năm 1837, dùng làm biểu tượng cho sự giàu đẹp, thống nhất của đất nước và ước mơ triều đại mãi vững bền. Ngày 4/3/1837 triều đình tổ chức lễ khánh thành rất lớn dưới sự chủ trì trực tiếp của vua Minh Mạng.
Chín đỉnh sắp thành hàng ngang dưới thềm Hiển Lâm Các, mỗi đỉnh được đặt trên một phiến đá lớn vững vàng, nằm theo thứ tự đối diện với các án thờ trong Thế Miếu. Riêng Cao đỉnh được đặt chính giữa, nhích về phía trước 3m với hàm ý tôn vinh công lao to lớn của vị vua đầu tiên của triều đại.
Cao đỉnh tương ứng với Thế Tổ Cao Hoàng Đế, vua đầu tiên của triều Nguyễn, niên hiệu Gia Long (ảnh cận cảnh)
Lấy Cao đỉnh chính giữa làm điểm xuất phát: bên trái thứ nhất là Nhân đỉnh (tương ứng với Thánh Tổ Nhân Hoàng Đế, vua thứ hai của triều Nguyễn, Minh Mạng), bên phải thứ nhất là Chương đỉnh (tương ứng với Hiến Tổ Chương Hoàng đế, vua thứ ba của triều Nguyễn, Thiệu Trị), bên trái thứ hai là Anh đỉnh (tương ứng với Dực Tông Anh Hoàng đế, vua thứ tư của triều Nguyễn, Tự Đức), bên phải thứ hai là Nghị đỉnh (tương ứng với Giản Tông Nghị Hoàng đế, vua thứ bảy của triều Nguyễn, Kiến Phúc), bên trái thứ ba là Thuần đỉnh (tương ứng với Cảnh Tông Thuần Hoàng đế, vua thứ chín của triều Nguyễn, Đồng Khánh), bên phải thứ ba là Tuyên đỉnh (tương ứng với Hoằng Tông Tuyên Hoàng đế, vua thứ mười hai của triều Nguyễn, Khải Định), bên trái thứ tư là Dụ đỉnh, bên phải thứ tư là Huyền đỉnh. Hai đỉnh Dụ và Huyền chưa được tương ứng với vị vua nào thì triều Nguyễn đã chấm dứt. Mặc dù còn 6 vị vua khác là Dục Đức, Hiệp Hòa, Hàm Nghi, Thành Thái, Duy Tân, Bảo Đại nhưng không được tương ứng với các đỉnh do không được đặt miếu hiệu và thuỵ hiệu.
Theo quy tắc sắp xếp đó có thể xác định đây là Huyền đỉnh
Bốn đỉnh bên phải từ gần ra xa: Chương Đỉnh, Nghị Đỉnh, Tuyên Đỉnh, Huyền Đỉnh (ảnh cận cảnh).. Chín bậc thang đá dẫn lên Hiển Lâm Các. Hai bên thành bậc đắp hình rồng, ở giữa là lối đi dành riêng cho vua. Ở góc chụp này thấy một phần Thế Miếu, cây thông dáng nghiêng đổ và Thổ Công từ.
Bốn đỉnh bên trái từ gần ra xa: Nhân Đỉnh, Anh Đỉnh, Thuần Đỉnh, Dụ Đỉnh (ảnh cận cảnh)
Toàn cảnh cửu đỉnh nhìn từ phía cổng tuẫn Liệt
Thoạt nhìn 9 đỉnh có vẻ giống nhau, nhưng thực tế chúng khác nhau về trọng lượng, bộ chân, cũng như bộ quai ở trên, đặc biệt khác ở hình chạm chung quanh mỗi đỉnh.
Hiển Lâm Các nhìn từ đầu hồi Thế Miếu
Thế Miếu là nơi thờ các vị vua triều Nguyễn, theo quy đinh nữ giới trong triều (kể cả hoàng hậu) không được đến đây. Bên trong miếu, ngoài án thờ vua Gia Long và 2 Hoàng hậu đặt ở gian giữa, các án thờ của các vị vua còn lại đều theo nguyên tắc "tả chiêu, hữu mục" để sắp đặt. Tuy nhiên, theo gia pháp của họ Nguyễn, các vị vua bị coi là "xuất đế" và "phế đế" đều không được thờ trong tòa miếu này, do đó, trước năm 1958, bên trong Thế Miếu chỉ có 7 án thờ của các vị vua. Đến tháng 10 năm 1958, án thờ 3 vị vua chống Pháp vốn bị liệt vào hàng xuất đế không được thờ trong Thế Tổ Miếu là Hàm Nghi, Thành Thái và Duy Tân đã được hội đồng Nguyễn Phúc Tộc rước vào thờ ở Thế Miếu. Còn các án thờ vua Dục Đức, Hiệp Hòa và Bảo Đại đến nay vẫn chưa có mặt trong Thế Miếu.
0 Nhận xét