Bài biên khảo này tìm hiểu lịch sử nhiếp ảnh tại Việt Nam từ khi kỹ thuật nhiếp ảnh ra đời và phổ thông vào giữa thế kỷ 19 ở Âu châu... cho đến các thập niên đầu thế kỷ 20 khi các nhiếp ảnh gia người Việt bắt đầu xuất hiện.
Pun Lun (繽 綸)
Pun Lun (Tân Luân) là nhiếp ảnh gia người Hồng Kông nổi tiếng thuở ban đầu ở Hồng Kông trong thập niên 1860. Văn phòng và cơ sở thương mại của ông ở trung tâm thành phố Hồng Kông, số 56 Queens Street, đối diện với Oriental Bank. Ngoài nhiếp ảnh ông có nghề thương mại vẽ và trạm hình trên ngà voi.
Ông có chi nhánh văn phòng nhiếp ảnh ở Saigon, Phúc Châu, Singapore. Ông hoạt động từ thập niên 1860 đến 1880, cùng thời với cơ sở của nhà nhiếp ảnh A Fong (華芳, Hoa Phương) ở Hong Kong (1859 đến 1941). Ông được coi là nhà nhiếp ảnh tiên phong trong lịch sử nhiếp ảnh Trung Quốc hiện nay.
Một số ảnh văn phòng nhiếp ảnh của ông chụp ở Saigon là những ảnh xưa nhất ở Saigon, xưa hơn cả các ảnh của Gsell.
Hình 18: Pun-Lun (Tân Luân) – Một người Hoa ở Saigon, chụp khoảng năm 1870 – Ảnh CDV
Hình 19: Pun Lun (Tân Luân) - 1880 Chân dung người Saigon (một phụ nữ buôn bán người Việt đội hàng trên đầu và có lẽ một thương nhân người Hoa đang cầm dù) – Ảnh loại CDV
Tân Luân có nhiều ảnh chụp ở Saigon, trong đó có ảnh đẹp, chụp rất nghệ thuật một viên chức ở Nam Kỳ “Un notable Indochinois” (chụp khoảng năm 1880. Hình trên giấy albuminé, kích thước 16 x 20 cm) như hình dưới đây.
Hình 20: Pun Lun (Tân Luân) – Một viên chức ở Nam Kỳ (khoảng năm 1880).
Bức ảnh chân dung tuyệt diệu “Một viên chức ở Nam Kỳ” chụp cách đây hơn 130 năm là tuyệt tác của Tân Luân, có thể so sánh bức ảnh này với bức ảnh nghệ thuật không kém, chụp chân dung người phụ nữ Bắc Kỳ do Émile Gsell chụp khoảng năm 1876.
Một số ảnh khác ở Saigon, có đề tên Pun Ky (Tân Kỳ) đằng sau ảnh có thể là người đại diện cho ông Tân Luân (Pun Lun) ở Saigon và chắc cũng có liên hệ gia đình với ông Tân Luân ở Hồng Kông.
Hình 21: Pun Ky (Tân Kỳ) - Thượng tọa với hai đệ tử
Hình 22: Pun Ky (Tân Kỳ) – Một vị lãnh đạo người Cam Bốt – khoảng năm 1880 – hình CDV trên giấy albuminé
Hình 23: Pun Ky (Tân Kỳ) – Tu viện St Enfance khoảng năm 1860. Để ý so sánh bức hình này với hình của Émile Gsell chụp vào năm 1866 thì có thể thấy bức ảnh này xưa hơn vì tu viện vẫn chưa có tường bao quanh tu viện như lúc Gsell chụp.
Aurélien Pestel (1855-1897)
Có thể nói ông Pestel là nhà nhiếp ảnh tiên phong tài ba nhất vào cuối thế kỷ 19 ở Saigon. Lúc ban đầu công việc của ông Pestel không có liên hệ trực tiếp đến nhiếp ảnh, nhưng sau đó ông trở thành nhiếp ảnh chuyên nghiệp lúc ông ở Cam Bốt, sau đó là Saigon, nơi ông mất năm 1897 ở số 10 Đại lộ Charner.
Chất lượng những hình ảnh ông chụp đã làm ông trở thành như một sứ giả đại diện cho Đông Dương trong Triển lãm Thế giới năm 1894 ở Lyon (1). Ông đã trưng bày một bộ album đầy ấn tượng hiếm quí về Nam Kỳ và Cam Bốt. Bộ album này chính nó cũng là một tác phẩm nghệ thuật, về phương diện dán những hình ảnh lại dùng kỹ thuật sơn mài truyền thống Việt Nam. Một số tác phẩm của Pestel có thể được xem tại kho chứa dữ liệu bộ ngoại giao Pháp (13).
Các hình của Pestel đã được Pierre Barrelon dùng minh họa trong bài viết "Saigon" của Barrelon đăng trong "Le Tour du Monde", năm 1893 và bởi E. Aymonier trong bài về Cam Bốt trong số năm 1900. Những hình của ông về kỹ nghệ thuốc phiện trong bộ ảnh năm 1894 đã được tạp chí nổi tiếng "L' Illustration" công bố vào năm 1896.
Những ảnh của ông Pestel được đăng trong các thông báo liên quan đến Đông Dương nhân dịp Hội chợ thế giới năm 1900, cùng với các hình ảnh của bác sĩ Victor Le Lan, và của ông Fernand Blanchet. Bộ sưu tập series ảnh CDV "Les éditions La Pagode", ở Saigon có dùng một số ảnh của Pestel, nhất là bộ ảnh "Main de lettré annamite". Ông có chụp các ảnh bên trong nhà của ông tổng đốc Phương ở Chợ Lớn (nhà này ở đường Châu Văn Liêm và hiện nay không còn nữa). Người kế nhiệm Pestel, ông Planté cũng in lại trên các "carte postales" (édition La Sarcelle) những ảnh đẹp nhất của Pestel.
Văn phòng studio, số 10 Đại lộ Charner, của ông sau khi ông mất được Négadelle xử dụng, sau đó là Paullussen, và cuối cùng là ông Planté. Tất cả đều là nhiếp ảnh gia có tiếng ở Saigon sau này.
Hình 24: Các đứa bé dùng giỏ để mang hàng ở chợ – carte postale in lại từ ảnh của Aurélien Pestel.
Hình 25: Những bà bán trái cây ở gần chợ Cũ Saigon – carte postale in lại từ ảnh của Aurélien Pestel.
George Victor Planté (1847-1921)
Planté sinh ngày 2 tháng 3 1847 ở Pháp và mất ở Saigon năm 1921. Lúc đầu khi đến Nam Kỳ, năm 1867, ông làm ở Sở quan thuế và kiểm hoạt (Service des Douanes et Régies de l’Indochine, sở này có xưởng làm thuốc phiện ở đường Paul Blanchy, Hai Bà Trưng ngày nay, sau Nhà hát thành phố). Sau đó vào năm 1893, ông trở thành nhà nhiếp ảnh và biên tập in các ảnh cartes postales (1).
Sau năm 1905, ông dời đến số 10 đại lộ Charner, cùng địa chỉ với các ông Aurélien Pestel, Négadelle và Paullussen trước đó: trong niên giám Đông Dương "Annuaire de l’Indochine de 1907" (trang 188) có hình chân dung ông và ghi các hoạt động của ông là "Portraits en tous genre. Agrandissements au gélatino-bromure. Vues de Cochinchine et des ruines d’Angkor (sur papier gélatino-bromure). Grande collection de cartes postales illustrées" ("Chụp chân dụng đủ loại. Phóng lớn trên giấy gélatino-bromure. Cảnh Nam Kỳ và di tích Angkor (trên giấy gélatino-bromure). Bộ sưu tập lớn các ảnh cartes postales")
Ông làm việc theo cách riêng biệt tùy theo mỗi khách hàng, và bán các cartes postales từ năm 1905. Trong số các cartes postales này có hình chân dung của vua Thành Thái, và các hình chụp của ông Pestel. Người thay thế Planté sau này là ông Crespin. Trong niên giám Đông Dương năm 1922 có ghi một người tên Jules Louis Planté, sinh năm 1891, làm việc ở sở Quan thuế và kiểm hoạt Đông Dương (Douanes et régies de l'Indochine), có thể đó là con ông.
Hình 26: George Planté – Cảnh bên trong Bưu điện Saigon. Ngày nay bản đia đồ trên tường vẫn còn nhưng tượng nữ thần đã biến mất.
Hình 27: George Planté – Công nhân trong nhà máy xay lúa, Chợ Lớn
Vài nét về các nhà nhiếp ảnh từ cuối thế kỷ 19 đến đầu thế kỷ 20 ở Việt Nam và Saigon - Chợ Lớn - Phần I
Vài nét về các nhà nhiếp ảnh từ cuối thế kỷ 19 đến đầu thế kỷ 20 ở Việt Nam và Saigon - Chợ Lớn - Phần II.1
Vài nét về các nhà nhiếp ảnh từ cuối thế kỷ 19 đến đầu thế kỷ 20 ở Việt Nam và Saigon - Chợ Lớn - Phần II.2
Vài nét về các nhà nhiếp ảnh từ cuối thế kỷ 19 đến đầu thế kỷ 20 ở Việt Nam và Saigon - Chợ Lớn - Phần II.3
Vài nét về các nhà nhiếp ảnh từ cuối thế kỷ 19 đến đầu thế kỷ 20 ở Việt Nam và Saigon - Chợ Lớn - Phần III
Vài nét về các nhà nhiếp ảnh từ cuối thế kỷ 19 đến đầu thế kỷ 20 ở Việt Nam và Saigon - Chợ Lớn - Phần IV
0 Nhận xét