“Hoài Nam nghĩa sĩ miếu” là tên gọi một ngôi đền Việt dựng trong Vườn thuộc địa (Jardin colonial de Nogent-sur-Marne) ngoại ô Paris nước Pháp. Đền khánh thành ngày 9 tháng 6 năm 1920, ban đầu dùng làm nơi thờ tự những tử sĩ người Việt bỏ mình vì nước Pháp trong Thế chiến thứ nhất. Số phận ngôi đền này éo le như chính lịch sử quan hệ Pháp - Việt. Bài viết tổng hợp từ các tài kliệu trên Internet.
Vào năm 1905, quan chủ tỉnh Thủ Dầu Một là Ernest Outrey đã ra lệnh làm cấp tốc một ngôi nhà bằng gỗ dựa theo kiểu thức của ngôi đình Bà Lụa, sau đó chuyên chở bằng tàu đem qua Pháp để tham dự cuộc triển lãm Colonial Exhibition Marseille tổ chức vào năm 1906.
Năm 1907, chính quyền Pháp đem nó đến triển lãm lần thứ hai trong một khu vườn ở vùng ngoại vi Paris (đường 45bis, đại lộ Belle-Gabrielle, ở Nogent-sur-Marne)
Trong kỳ triển lãm khá hoành tráng năm 1907, rất nhiều điều quý hiếm và độc đáo từ các quốc gia khác nhau được đem ra trưng bày gây kinh ngạc và thích thú cho người xem. Tuy nhiên, theo đánh giá của tác giả Eric T.Jennings thì ngôi nhà đình của Việt Nam vẫn là nổi bật nhất. (The star of the show, however, seems to have been the sculpted “notable’s house” from Thudaumot). Lúc ban đầu, tác phẩm tham dự triển lãm từ Thủ Dầu Một chỉ được xem như tiêu biểu cho một phong cách nhà cổ truyền thống của miền Nam (sculpted house of Thudaumot). Năm sau, người ta lại coi nó như một trà đình (tea pavilion), hay là căn nhà của bậc quan quyền (mandarin house). Phải mất nhiều năm sau, nhờ một biến cố trọng đại xảy ra ở Âu châu lúc bấy giờ, đó là trận thế chiến lần thứ nhất, nó mới được lựa chọn để rồi trở thành ngôi đền tưởng niệm tử sĩ Việt Nam.
Tuy nhiên, quyết định này lại gây bất bình từ phía những người Công giáo vì theo họ, như thế là thiếu công bình đối với các tử sĩ theo đạo Công giáo. Năm 1920, linh mục Gendreau ở Hà Nội là một trong những người đã lên tiếng về vấn đề này. Đến đây, những người có trách nhiệm buộc phải quan tâm xem xét, đó là liệu các đài tưởng niệm thuần túy có tính chất thế tục hay phải xét đến khía cạnh dân tộc, tôn giáo, tín ngưỡng là những vấn đề rất phức tạp khó tìm ra giải pháp thỏa đáng. Một kiến trúc “stupa” theo phong cách Phật giáo Cam Bốt, nhiều hơn là của Lào, được dành cho sĩ tử của cả hai nước đã tạm đuợc chấp nhận. Trong khi việc ngôi đình Thủ Dầu Một có thể là nơi thờ cúng chung cho chiến sĩ ba miền, cho người theo các đạo lại là vấn đề khá rối rắm. Sau nhiều tranh luận với các ý kiến khác nhau, một giải pháp được đưa ra là cũng trong khu vực tưởng niệm này, một đài tưởng niệm riêng dành cho các chiến sĩ Công giáo được xây dựng gần phía góc phải của ngôi đền chính. Như vậy linh hồn các chiến sĩ người Việt Nam theo đạo Công giáo có thể an nghỉ cạnh các chiến hữu người Việt Nam theo đạo Phật, đạo Nho… Năm 1919, vua Khải Định đã ban chiếu chỉ chính thức công nhận ngôi đình Bà Lụa này là nơi để thờ người Việt Nam trên đất Pháp.
Thời đó, để đủ lực lượng đương đầu với Đức, vào tháng 11 năm 1915, Pháp đã ban hành lệnh tuyển mộ người bản xứ tại Đông Dương. Sang tháng Giêng năm sau, triều đình Huế cũng có dụ ban thưởng 80 đồng bạc Đông Dương cho những ai nhập ngũ. Đến năm 1918, khi chiến tranh kết thúc thì đã có tổng cộng 48.922 người dân Đông Dương làm lính (30.425 người trong quân ngũ tại Âu châu hoặc bắc Phi), và 51.000 thợ (ouvriers non spécialsés, viết tắt là ONS, xưa gọi là lính thợ, hay công binh). Khi tàn cuộc chiến, kể cả lính và thợ, có 1.548 người đã hy sinh cho nước Pháp.
Chính trong bối cảnh cuộc chiến này, người Pháp mới nghĩ đến việc dành một khu trong công viên để xây dựng những đài tưởng niệm các chiến sĩ xuất thân từ những xứ thuộc địa của họ đã hy sinh. Do đó, mà về sau khu vực này mới có các đài tưởng niệm những tử sĩ Lào, Cao Miên, Madagasca, Algeria, Tunisia, Dahomey, Guiana và Việt Nam…Vào năm 1917, người Pháp đã xem xét và cân nhắc việc chọn ngôi nhà đình của Thủ Dầu Một làm ngôi đền tưởng niệm những người lính Việt Nam.
Để phản ánh văn hóa của từng dân tộc, người ta cho xây dựng các đền đài tưởng niệm mang phong cách kiến trúc đặc trưng truyền thống của các dân tộc đó. Kiểu tháp tròn, nhọn theo phong cách “faux stupa” dành cho người Lào và Cam Bốt. Bức tượng một người đàn bà Phi châu than khóc trước nấm mồ của người chồng đã gục ngã giữa những hoang tàn trong một ngôi làng của Pháp, để dành cho người da đen nói chung. Bức phù điêu kiểu Tây phương cho những người Việt Nam có đạo Công giáo. Và, ngôi nhà gỗ từ Việt Nam dành cho các tử sĩ theo đạo Phật. Phiên bản ngôi đình Bà Lụa đã được chọn chính vì lý do này.
Việc chọn ngôi đình làm nơi thờ phượng, ngoài giá trị về kiến trúc, người Pháp có xét đến yếu tố tín ngưỡng của dân bản xứ. Nghi thức thờ cúng người chết của người Việt với tấm bài vị trên bàn thờ và làm đám giỗ hàng năm, nay được thay bằng một tấm bia lớn ghi khắc tên của tập thể những chiến sĩ đã chết. Đình trong sinh hoạt văn hóa Việt Nam đảm nhiệm nhiều chức năng khác nhau, trong đó việc cúng bái vẫn là chính. Thế nên việc sử dụng ngôi nhà đình làm nơi thờ tự, nhang khói tưởng niệm thay vì chỉ chiêm ngưỡng nó như là một tác phẩm nghệ thuật là một lựa chọn có lý do.
1919 Mộ binh sĩ Đông Dương tại Nghĩa trang Bagneux (Paris)
Vào ngày 9 tháng 6 năm 1920, tổ chức trọng thể lễ khánh thành ngôi đền với sự tham dự của nhiều quan chức cao cấp Pháp như Albert Sarraut, thống chế Joffre, Alexandre và Đặng Ngọc Oanh, một viên quan đại diện cho Hoàng Đế Việt Nam. Ngoài ra là các cựu chiến binh Việt, Pháp còn sống nay tựu về để tưởng niệm các chiến hữu đã mất…Trước đó, người ta cho phục hồi lại bàn thờ và các vật dụng trang trí được thực hiện bởi chính các nghệ nhân người Việt trong Nam ngoài Bắc: gốm Cây Mai trong Nam, những tấm biển sơn mài ngoài Bắc, một chiếc lư đồng như phiên bản của cửu đỉnh tại cung thành Huế. Các lễ vật cúng bái như nhang đèn, pháo, trống, chiêng…cũng được chuyên chở gấp rút từ Việt Nam qua. Sự chuẩn bị cho lễ khánh thành khá là chu đáo.
Buổi lễ khai mạc bằng bài diễn văn của vị đại biểu Nam kỳ là ông Lê Quang Liêm, người phát ngôn cho những lính thợ Đông Dương. Lần lượt sau đó là phát biểu của các vị Đặng Ngọc Oanh, đọc sắc chỉ của vua công nhận ngôi đền; đến Henri Gourdon, chủ tịch Hội Tưởng niệm Đông Dương; Bộ trưởng thuộc điạ Albert Sarraut. Kế tiếp là phần rước tấm bản ghi sắc chỉ của vua Khải Định vào ngôi đền. Cờ của các nước An Nam, Pháp, Cao Miên, Lào bên nhau tung bay trong gió. Báo chí ở Pháp và Việt Nam thời ấy có khá nhiều bài tường thuật sự kiện này như tờ Echo Annamite, Le Journal, Le Gaulois, Le Petit Parisien, L’Echo de Paris, Le Figaro…
9-6-1920 Lễ khánh thành Đền kỷ niệm Đông Dương tại vườn thuộc địa Nogent - sur-Marne
9-6-1920. Ông Sarraut khánh thành tượng đài thuộc địa với sự hiện diện của Thống chế Joffre, tướng Berdoulat và ông Autrand
9-6-1920. Sứ thần triều đình Annam, Đốc phủ sứ Lê Quang Liêm (tự Bảy) đọc diễn văn
9-6-1920. Sứ thần triều đình Annam Đặng Ngọc Oanh đọc diễn văn trong lễ cung hiến Đền kỷ niệm Đông Dương
9-6-1920. Rước sắc chỉ của vua Khải Định vào đền thờ tử sĩ
Tham dự buổi lễ có nhiều cựu chiến binh Việt, Pháp
Ông Sarraut và Thống chế Joffre ra về sau buổi lễ
Tường thuật về buổi lễ khánh thành đền trên báo chí
Sắc chỉ của vua Khải Định
26-6-1922. Vua Khải Định viếng Đền kỷ niệm tử sĩ Đông Dương tại Nogent-sur-Marne, Pháp.
Từ lúc đó, ngôi đền trở thành điểm tham quan lễ bái cho những người Việt Nam có dịp đến Pháp. Vị thượng khách quan trọng bậc nhất trong số này chính là nhà vua của An Nam. Vào ngày thứ hai, 26 tháng 6 năm 1922, vua Khải Định (vị vua Việt Nam đầu tiên công du sang Pháp) với con trai là hoàng tử Bảo Đại, cùng quan Thượng thư Thuộc địa Albert Sarraut đến thăm ngôi đền.
Đến mấy mươi năm sau, lại xảy ra trận thế chiến lần hai. Năm 1945, đã có thêm 500 chiến sĩ Nam kỳ chết trên chiến trường và 900 lính thợ thiệt mạng, góp phần trong cuộc vệ quốc vì sự vẹn toàn lãnh thổ và sự tự do cho người Pháp. Ngôi đền lại được nhớ đến, trở thành vấn đề để thảo luận. Thế rồi, người ta cho dựng thêm tấm bảng trong ngôi đền để ghi danh tánh những kẻ đã bỏ mình trong thế chiến lần hai.
Như thế vẫn chưa xong. Chưa nguôi lửa binh đao, Pháp lại lao mình vào cuộc chiến chín năm với Việt Nam, và kết thúc bằng trận đánh Điện Biên Phủ lừng danh trong chiến sử nhân loại, đánh dấu sự cáo chung của Đế quốc Pháp. Người Pháp lại nghĩ đến những kẻ đã bỏ mình, và lại muốn dùng ngôi đền “the Temple du Souvenir Indochinois” để ghi thêm danh tánh những tử sĩ Việt Pháp trong cuộc chiến đó.
Có vẻ như ngôi đền luôn gắn liền với các sự kiện lịch sử quan trọng của Pháp và Việt Nam, và rất có thể vì vậy, số phận của nó cũng trải qua những bước thăng trầm thịnh suy, éo le như lịch sử của con người.
Điều vô cùng đáng tiếc đã đến: ngày 21 tháng 4 năm 1984, một trận hỏa hoạn, bị tình nghi là do hành động phá hoại, đã thiêu rụi ngôi đền. Trên nền cũ, chỉ còn lại lối đi tam cấp có tạc hình rồng bằng đá. Năm 1992, người ta cho xây trên ấy một kiến trúc mới đơn sơ, nhỏ hơn trước và có vẻ giống như môtip đền của Nhật bản. Phương đình này, được dựng lên để tiếp tục nhiệm vụ là đài tưởng niệm tử sĩ mà ngôi đình Bà Lụa của tỉnh Thủ Dầu Một đã gánh vác hơn một thế kỷ qua.
Từ trong đền nhìn ra
Lư hương và bức bình phong
Vì lý do tín ngưỡng một đài tưởng niệm riêng dành cho các chiến sĩ Công giáo được xây dựng gần phía góc phải của ngôi đền chính.
Cây cầu mang hình rắn thần 7 đầu dẫn đến đài tưởng niệm binh sĩ Lào và Cam Bốt cách đó không xa
Tượng đài tưởng niệm những người lính Lào theo phong cách stupa
Hình ảnh ngôi đình lúc trưng bày tạo triển lãm thuộc địa Marseille 1906
Hình ảnh ngôi đình khi tham gia triển lãm thuộc địa Paris 1907 (phía trước)
Hơn mười năm sau nó trở thành nơi thờ phụng những người lính Đông Dương bỏ mình vì nước Pháp trong Thế chiến thứ nhất
Khu đền
Hồ nước nhỏ kề bên
Nét chạm trổ vô cùng tinh xảo
Từ trong đền nhìn ra
Lư hương và bức bình phong
Nét Huế giữa rừng thông nước Pháp
Vì lý do tín ngưỡng một đài tưởng niệm riêng dành cho các chiến sĩ Công giáo được xây dựng gần phía góc phải của ngôi đền chính.
Cây cầu mang hình rắn thần 7 đầu dẫn đến đài tưởng niệm binh sĩ Lào và Cam Bốt cách đó không xa
Tượng đài tưởng niệm những người lính Lào theo phong cách stupa
Trên nền ngôi đình bị cháy người ta cho dựng một phương đình đơn sơ, nhỏ hơn trước và mang dáng dấp đền của Nhật bản (ảnh trên Wikipedia)
Tham khảo hình ảnh hiện tại của ngôi đền:
Le jardin d’agronomie tropicale René Dumont
và bài viết của Hoàng Anh:
Hoài Nam Nghĩa Sĩ Miếu
và Đoạn phim ngắn Annamite Temple In France 1920 về buổi lễ khánh thành đền thờ
và bài viết của Hoàng Anh:
Hoài Nam Nghĩa Sĩ Miếu
và Đoạn phim ngắn Annamite Temple In France 1920 về buổi lễ khánh thành đền thờ
0 Nhận xét